Những người am hiểu đồ gốm, sứ thường nói: “Nhất xương, nhì da, thứ ba đến lửa”. Xương là tạo hình, da là trang trí, viết vẽ hay đắp nổi, khắc các hoạ tiết và men. Lửa là khâu cực kỳ quan trọng, non lửa không chín hàng, men không chảy, còn già lửa thì rộp nứt nẻ, thậm chí cháy đét. Đồ gốm, sứ đẹp phải đạt được bốn tiêu chuẩn: Kêu như chuông, mỏng như giấy, trắng như ngọc và trong như gương.
Gốm, sứ nước ta khác nhau về thời đại, về địa phương. Gốm, sứ Bát Tràng khác gốm, sứ Phù Lãng, Chu Đậu, Hương Canh, Thổ Hà, Thanh Hoá... Gốm Bát Tràng giỏi làm men màu trắng lam, sứ Thanh Hoá giỏi làm men rạn. Gốm Thổ Hà không tráng men nhưng tạo được màu nâu sẫm bóng trên sản phẩm. Gốm Phù Lãng mộc mạc với bình, lọ, đĩa hoa, họa tiết hiện đại kết hợp với chất liệu cổ điển tạo nên phong cách nổi bật. Gốm Hương Canh thô mộc hơn, có màu vàng tươi hơn gốm Phù Lãng và Thổ Hà. Gốm Chu Đậu rất đa dạng về loại hình và được tráng hoặc trang trí bằng nhiều loại men, màu khác nhau, phổ biến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh màu rêu, vàng nhạt, vàng đậm. Một số được tráng tới hai màu men: trong trắng, ngoài nâu.
Hoa văn là điều đáng nói nhất của gốm Chu Đậu. Trên hoa văn thể hiện đậm đà màu sắc dân tộc, phản ánh một cách sinh động thiên nhiên và cuộc sống cư dân vùng châu thổ như: hình người đội nón, mặc áo dài, người chăn trâu, một cánh đào hoa nụ với con chim nhỏ ngơ ngác trước xuân sang, từng đàn chim ngói, chim cu sải cánh, từng đàn bồ nông, vịt trời bơi lội bồng bềnh, từng đàn cá tung tăng...
Ông Nguyễn Văn Cường, một người chơi gốm, sứ cổ lâu năm ở Hà Nội cho biết, những thứ có thể đặt lên bàn thờ là loại được trang trí tứ linh động vật “long, ly, qui, phụng”; còn bày trên án, trên bàn sách, bàn uống nước thuộc tứ linh thực vật “đa, sung, si, sanh”, hoặc các bộ tứ quý như “tùng, cúc, trúc, mai”...
Đồ gốm, sứ thường gắn liền với hoa, cây cảnh. Chọn một loại bình, chậu nào đó phải phù hợp với màu hoa, dáng cây cảnh và nền trang hoàng (bàn, tủ) trong nhà. Ngày xưa có nhiều cách bày, chẳng hạn như theo kiểu cao - thấp, ngang - dọc, theo lối âm dương, ngũ hành, có cái bày dưới đất, có cái treo trên tường. Sự cầu kỳ trong cách chơi còn thể hiện ở cách bày theo các mùa xuân - hạ - thu - đông với từng gam màu nóng lạnh khác nhau.
Đồ gốm, sứ trang trí trong nhà đòi hỏi quá trình tư duy và chọn lọc khắt khe. Nếu lạm dụng và sa đà, ngôi nhà sẽ trở nên “cục mịch, nặng nề”. Nhưng nếu biết khéo léo sử dụng và tinh tế trong chọn lọc, ngôi nhà sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
Lưu giữ hồn dân tộc
Theo những người chơi gốm sứ cổ, đồ sứ cổ thông dụng thời xưa đa phần là do người Việt xưa đặt làm bên Trung Quốc, gồm hai loại: Một là của triều đình đặt làm đồ ngự dụng, gọi là đồ “Ký Kiểu”. Những đồ sứ này có các họa tiết, thơ văn bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, xuất phát từ ý tưởng của vua chúa Việt Nam, hầu hết có màu lam đặc trưng và có ghi rõ niên đại (như Tự Đức niên chế, Minh Mạng niên chế). Hai là những đồ sứ do các gia đình trâm anh thế phiệt tự vẽ kiểu rồi đặt hàng những thương nhân Trung Quốc có mở cửa hiệu buôn bán tại Việt Nam. Tuy hầu hết những đồ sứ cổ thời đó đều do người Trung Quốc chế ra nhưng lại mang đậm phong cách Việt Nam.
Thời Lý, Trần, phong cách trang trí gốm sứ phóng khoáng, khoẻ khoắn, hình hoa sen được dùng để trang trí nhiều. Biểu hiện tập trung nhất là gốm “cung đình” có nét chữ “Thiên Trường phủ chế” (làm ở phủ Thiên Trường). Thời Lê, gốm, sứ có đặc điểm riêng là hay dùng màu chàm tím để vẽ hươu, sư tử, rồng..., các loại côn trùng như ong, bướm thì dùng màu tối hơn.
Nhìn chung gốm, sứ Việt Nam có thế mạnh về kỹ thuật đắp nổi, phù điêu long, ly, qui, phụng... Cái đẹp của gốm, sứ Việt Nam là dáng khoẻ khoắn mà không hề nặng nề. Vì thế, nhiều người rất ưa thích gốm Việt, bởi vẻ đẹp tự nhiên, giàu sức sống, mộc mạc, không lên gân, nhưng cũng không vì thế mà quê kệch, cục mịch.
Nghề chơi nào cũng lắm công phu, riêng thú chơi cổ ngoạn lại càng đa đoan hơn. Một món đồ cổ đạt đủ các tiêu chuẩn về men, dáng và sự nguyên vẹn không dễ kiếm, thậm chí người chơi đôi khi phải “theo đuổi” hàng tháng, hàng năm. Cũng có người chơi vì quá yêu thích một món đồ đã phải thực hiện phương châm “nhịn đủ thứ”, thậm chí có người còn bán cả nhà, cả xe, miễn là tích cóp đủ tiền để “đưa nàng về dinh”. Để phân biệt thật giả, người chơi phải chịu khó nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, địa lý… Hiểu biết càng sâu sắc thì niềm vui cảm nhận càng lớn lao.
Cổ vật nào cũng có hồn, dù chỉ một chiếc đĩa nhỏ, hay một lọ hoa cũng làm con cháu đời sau phải suy nghĩ. Trải bao biến động của thời gian, những đồ gốm sứ còn lại đến nay đã trở thành một phần di sản vật thể của đất nước, qua đó giúp cho người đời sau nghiên cứu từ lịch sử, thơ văn, nghệ thuật đến phong tục, tập quán, ngôn ngữ của các thế hệ cha ông.
Ngoài sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ, về mỹ thuật của từng thời kỳ, từng trường phái, thì điều quan trọng hơn là người chơi phải có sự “tri âm” với cổ vật, biết “nói chuyện” với những món đồ cổ để khám phá những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa. Để rồi như một sự đền đáp, họ là những người truyền đạt lại, giữ vai trò kết nối sợi dây văn hóa giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại. Họ giúp cho người đương thời có thể hiểu được những gì người xưa đã gửi gắm, trao tặng cho mai sau mà tự hào, giữ gìn và bảo tồn./.
0 nhận xét: