Chinh phục thị trường cấp thấp
Hiện cả nước có khoảng 290 cơ sở sản xuất đồ sứ gia dụng. Ba khu vực gốm sứ có thương hiệu lớn là gốm sứ Bình Dương, gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) và gốm sứ Hải Dương.
Các thống kê cho thấy, năm 2012, tổng doanh thu toàn thị trường gốm sứ gia dụng Việt Nam đạt khoảng 5.600 tỷ đồng nhưng các cơ sở sản xuất trong nước chỉ chiếm 30%, 70% còn lại thuộc về các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, trong đó đa phần là của TQ.
Các DN Việt Nam thừa nhận, hàng gia dụng gốm sứ trong nước nhiều năm liền thua hàng TQ vì các cơ sở sản xuất chủ yếu phát triển trên nền tảng thủ công, manh mún, công nghệ lạc hậu. Mặc dù đã có DN đầu tư thiết bị sản xuất với công nghệ hiện đại, quy mô lớn nhưng số lượng DN như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay như Minh Long 1, Sứ Hải Dương, Chuan Kuo Việt Nam (CK)...
Gốm sứ TQ nhiều năm liền là nổi ám ảnh của các cơ sở sản xuất trong nước khi xuất hiện ở tất cả các tỉnh - thành, từ Bắc vào Nam. Những chén, đĩa, bình ly, thậm chí là lọ hoa... xuất xứ TQ được nhập tiểu ngạch hiện diện gần như trong tất cả các gia đình ở thành thị cho đến nông thôn.
Phải thừa nhận là so với chén đĩa do các cơ sở nhỏ trong nước sản xuất thì chén đĩa "made in China" có mẫu mã đa dạng hơn nhiều mà giá lại rẻ. Trong khi đó, sản phẩm của các DN lớn trong nước, có đầu tư bài bản thì giá lại cao hơn rất nhiều so với hàng Tàu.
Theo phân tích của ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Minh Long 1, trong sản xuất gốm sứ thì nung là công đoạn chiếm nhiều chi phí nhất và chất lượng sản phẩm cao hay thấp phụ thuộc hoàn toàn vào quy trình này. Hàng TQ giá rẻ vì được nung ở nhiệt độ thấp nên tiết giảm được chi phí.
Trong khi hàng sứ gia dụng tốt của Việt Nam nung ở nhiệt độ 1.280 độ C (hàng Minh Long 1 nung đến 1.380 độ C) thì hàng của TQ chỉ ở mức 800 độ C. Do nhiệt độ thấp nên hàng TQ có độ bền thấp đó là chưa kể sản phẩm còn chứa chì trong lớp hoa văn nhẹ lửa.
Không chỉ bị cạnh tranh bởi hàng TQ, gần đây, DN trong nước còn bị chia thị phần bởi hàng nhập từ Mexico, Thái Lan... Không khốc liệt như với hàng TQ, nhưng hàng nhập khẩu từ những nước này vào hệ thống phân phối hiện đại cũng gây áp lực không nhỏ cho hàng Việt.
Trước thực tế đó, từ vài năm nay, các DN gốm sứ của Việt Nam như Minh Long 1, Sứ Hải Dương, CK... đang dốc toàn lực để đầu tư, sản xuất để giành lại thị trường. Bắt đầu tư năm 2007, Minh Long 1 tăng cường đầu tư mạnh cho sản xuất và đầu tư vào công nghệ được xếp vào vị trí số 1.
Với những đầu tư bài bản, năm 2011, doanh thu của Công ty đạt 450 tỷ đồng. Năm 2012, Công ty đã đưa ra thị trường (cả xuất khẩu) 20 triệu sản phẩm, tăng 25-30% so với năm 2011. Cùng với sản lượng tăng, doanh thu của Công ty cũng tăng 20%. Trong khi đó, Công ty CP Sứ Hải Dương tái cấu trúc toàn bộ hoạt động.
Nhờ áp dụng giải pháp quản lý đồng bộ, đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư vào đội ngũ quản lý và kỹ thuật, sản phẩm của Sứ Hải Dương đã giảm được giá thành và tăng năng suất, chất lượng.
Ông Nguyễn Đỗ Hà, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Sứ Hải Dương, cho biết, hiện sứ Minh Long đang chiếm lĩnh phân khúc cấp cao, CK nắm phân khúc trung cấp, còn Sứ Hải Dương chiếm ưu thế ở phân khúc trung bình khá.
Thắng ở phân khúc cấp cao
Trong khi phân khúc sứ gia dụng trung và bình dân đang từng bước giành lại thị trường thì phân khúc cao cấp đã thuộc về DN trong nước. Và thị phần này gần như là "cuộc chơi riêng" của Công ty Minh Long 1. Ông Lý Ngọc Minh tự tin cho biết, từ khi chú trọng đến tiêu thụ nội địa, Minh Long đã từng bước chinh phục được thị trường.
Hiện nay, tỷ trọng tiêu thụ nội địa chiếm 20% trong tổng sản lượng tiêu thụ của Công ty. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là ở phân khúc hàng sứ tiêu dùng cao cấp cho gia đình, sản phẩm của Minh Long 1 chiếm đến 80% thị phần trong cả nước. 20% còn lại là hàng sứ giá dụng nhập từ Đức, Pháp, Ý, Mỹ...
Nhưng để có được thị phần này, Minh Long đã thực hiện một chiến lược toàn diện từ đổi mới công nghệ sản xuất cho đến xây dựng hệ thống phân phối, tiếp cận người tiêu dùng. Từ năm 2010 đến nay, trong khi các DN khác co cụm lại thì Minh Long 1 đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu sản xuất, chủ động liên kết với các đơn vị khác để mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, mỗi năm Minh Long dành đến hơn 100 tỷ đồng để nhập máy móc thiết bị hiện đại từ Đức, Pháp, Ý, Nhật... thay thế, cải tiến thiết bị cũ để tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Sau hơn hai năm nghiên cứu, đầu tư cho đổi mới sáng tạo, cuối năm 2013, Minh Long 1 đã đưa ra thị trường 250 mã hàng thương hiệu Lys Horeca dành cho phân khúc nhà hàng, khách sạn.
Sản phẩm này đánh đúng nhu cầu của những nhà hàng khách sạn cấp trung nên được tiêu thụ mạnh. Hiện sản phẩm mang thương hiệu gốm sứ Minh Long 1 có trên 15.000 chủng loại, riêng hàng xuất khẩu có trên 3.000 mẫu mã.
Dù đang đứng đầu ở phân khúc cao cấp nhưng Minh Long 1 vẫn không ngừng đầu tư, cải tiến cũng như thực hiện mọi biện pháp để giữ vững thị phần. Minh Long 1 đã và đang hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP.HCM (Hiệp hội), liên kết với các đơn vị trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thuộc Hiệp hội để phân phối và quảng bá sản phẩm.
Không những thế, Minh Long 1 còn tổ chức cuộc thi ẩm thực ba miền mà giải thưởng lên đến cả tỷ đồng. Để quảng bá hơn nữa thương hiệu Minh Long 1 đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, DN này đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng 120.000m2 tại Bình Dương, trong đó có cả "bảo tàng gốm sứ" để du khách có thể tìm hiểu về lịch sử gốm sứ qua các hiện vật...
Và cách bán hàng cũng được "công nghệ hóa" thông qua mạng, qua kênh thương mại điện tử song song với bán hàng qua hệ thống cửa hàng, đại lý.
Ông Lý Ngọc Minh cho biết, những biện pháp này không chỉ giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ mà còn khiến khách du lịch trong và ngoài nước biết đến thương hiệu Minh Long 1. Và quan trọng hơn, hiện gốm sứ Minh Long 1 đã đánh bại được hàng TQ và hoàn toàn chiếm lĩnh được phân khúc hàng cao cấp.
Mặc dù hiện nay gốm sứ TQ, đặc biệt là gốm sứ Giang Tây vẫn bày bán ở nhiều nơi nhưng với những đầu tư và chiến lược bài bản, các DN Việt đang từng bước dành lại thị trường lớn này.
0 nhận xét: